Định vị xe máy đang là công nghệ được người dùng Việt Nam quan tâm nhằm hạn chế việc mất cắp tài sản, đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp giao nhận bằng xe máy điều tiết đội xe của mình. Song, hệ thống này thực sự hoạt động như thế nào?
Công nghệ định vị là gì, định vị xe máy có gì khác biệt?
Hệ thống định vị GPS, viết tắt cho cụm từ Global Positioning System là hệ thống xác định vị trí dựa trên vị trí của các vệ tinh nhân tạo, do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý. Trong cùng một thời điểm, tọa độ của một điểm trên mặt đất sẽ được xác định nếu xác định được khoảng cách từ điểm đó đến ít nhất ba vệ tinh trong hệ thống 27 vệ tinh xoay quanh trái đất theo nhiều trục khác nhau.
Hiện nay, công nghệ này đang được sử dụng rộng rãi từ lĩnh vực quân sự, khoa học, hàng không,… đến các lĩnh vực phục vụ đời sống như vận chuyển, giải trí, smartphone, smarthome…
Hệ thống định vị xe máy/ ô tô cũng ứng dụng công nghệ GPS này bằng cách lắp đặt chip GPS trên xe. Điểm khác biệt của thiết bị định vị xe máy so với các sản phẩm ứng dụng công nghệ định vị là các hệ thống định vị xe máy thường được trang bị thêm bộ kết nối gửi nhận dữ liệu đến máy chủ. Một số sản phẩm thuần Việt sử dụng công nghệ này có thể kể tới S-Bike Pro của SetechViet hay Smartbike do công ty Định Vị Số phát triển.
Nguyên lý hoạt động của một hệ thống định vị xe máy tiêu biểu
Tại sao thiết bị định vị xe máy lại có thêm bộ kết nối gửi nhận dữ liệu đến máy chủ?
Khác với các thiết bị GPS có màn hình thể hiện thông số hoặc bản đồ, hệ thống GPS trên xe máy cần một thiết bị trung gian để thể hiện vị trí cụ thể, đồng thời, chuyển thông tin hành trình về máy chủ lưu giữ, nhất là đối với các doanh nghiệp giao nhận cần kiểm soát đội xe của mình trong thời gian dài. Đó là lý do tại sao các hệ thống định vị trên xe máy cần có bộ kết nối gửi nhận dữ liệu. Máy chủ sẽ phân phối dữ liệu đến các thiết bị như smartphone, laptop, website hay PC để người dùng tiện theo dõi.
Ngoài ra, thông thường chip GPS chỉ trả về các thông số như vĩ độ, kinh độ và cao độ vốn khó định vị với người dùng bình thường. Hệ thống gửi nhận dữ liệu cần tích hợp đến các thiết bị trung gian để thể hiện cùng với bản đồ số.
Hệ thống gửi nhận dữ liệu này thường là hệ thống data 3G viễn thông. Người dùng chỉ trả phí một lần duy nhất trong năm để kết nối liên tục.
Các thiết bị định vị xe máy đều giống nhau?
Có khá nhiều loại và đời chip GPS đang được sử dụng. Tuỳ vào đời chip mới cũ sẽ cho ra những sai số nhất định, sai số này có thể là vài mét hoặc vài trăm mét. Vì thế, khi lựa chọn thiết bị định vị xe máy nên tìm hiểu kỹ sai số định vị của sản phẩm là bao nhiêu. Yếu tố này rất quan trọng không chỉ trong việc bảo quản tài sản mà còn trong việc tìm kiếm xe bị mắt cắp (trong trường hợp trộm lấy được cả chìa khoá/thiết bị mở khoá). Định vị được bán kính xe máy trong vòng 5, 10 mét sẽ dễ dàng tìm ra hơn loại thiết bị chỉ định vị xe trong bán kính 100 mét.
Cần chọn lựa thiết bị theo các yếu tố nào?
Nên chọn thiết bị rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, sản xuất hợp quy và có chứng nhận hợp chuẩn khi lưu hành tại Việt Nam để đảm bảo chất lượng và tính an toàn của thiết bị. Nên chọn các sản phẩm có sai số định vị dưới 10 mét. Đồng thời, cần tìm hiểu hệ thống kết nối gửi nhận data sẽ tính phí như thế nào, hệ thống sẽ lưu trữ dữ liệu hành trình có phù hợp với nhu cầu không, thông tin định vị có thể tích hợp trên các thiết bị thường dùng không (smartphone, website mang lại tính di động cao hơn). Ngoài ra, hiện tại trên thị trường cũng có khá nhiều thiết bị “kép” trang bị cả hệ thống chống trộm và định vị, tuỳ thuộc vào nhu cầu mà người dùng nên chọn các thiết bị phù hợp để bảo vệ tài sản của mình.
Với những doanh nghiệp cần quản lý đội xe, nên tìm hiểu số lượng xe tối đa hệ thống có thể quản lý và thông tin lưu trữ có lâu dài không, hệ thống quản lý thân thiện dễ sử dụng không.
Nguồn: genk.vn
(http://genk.vn/pc-do-choi-so/tim-hieu-ve-he-thong-dinh-vi-xe-may-20141209203910294.chn)